Kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt là nỗi lo của bất cứ chị em nào khi bước vào “mùa dâu rụng”. Trong đó, trễ kinh là hiện tượng thường gặp, khiến nhiều chị em băn khoăn không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản không? Vậy, trễ kinh là gì? Nguyên nhân do đâu và những lưu ý cần biết khi bị trễ kinh là gì? Cùng Tấm đi tìm hiểu nhé!
1. Trễ kinh là gì?
Trễ kinh hay còn gọi là chậm kinh là hiện tượng đến ngày hành kinh theo dự tính nhưng kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 28 đến 35 ngày. Nếu sau 35 ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu đến kỳ kinh tức là bạn đang gặp phải tình trạng trễ kinh.
Đây là hiện tượng xảy ra phổ biến đối với đa số các chị em phụ nữ. Tuy nhiên hiện tượng này lại ít được quan tâm, tìm hiểu, phòng ngừa và khắc phục đúng cách. Điều này làm gia tăng những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe tổng thể của người phụ nữ.
2. Nguyên nhân gây trễ kinh
Thông thường, chậm kinh là dấu hiệu mang thai ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bạn kiểm tra và chắc chắn rằng nguyên nhân chậm kinh không phải do mang thai thì trễ kinh có thể bắt nguồn từ các lý do sau đây:
- Căng thẳng, stress
Căng thẳng có thể khiến suy giảm hormone, gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm lý, lâu dần sẽ dẫn tới các vấn đề sức khỏe khác như trễ kinh.
- Thay đổi cân nặng đột ngột
Việc tăng cân đột ngột hay giảm cân quá mức gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe sinh sản nói riêng.
Thiếu cân quá mức làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, rối loạn và gây ra tình trạng ngừng rụng trứng, khiến bạn bị chậm kinh. Tương tự, nếu béo phì quá mức có thể làm thay đổi nội tiết tố, gây rối loạn kinh nguyệt.
- Tác dụng phụ của thuốc
Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng khi thay đổi liều dùng của những thuốc đang sử dụng hoặc dùng một loại thuốc mới. Ngoài ra nguy cơ chậm kinh sẽ tăng cao khi bạn sử dụng thuốc tránh thai, thuốc nội tiết tố, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc dùng trong hóa trị và corticosteroids.
- Mãn kinh sớm
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 45, lúc này cơ thể sản sinh estrogen hơn. Từ đó làm ảnh hưởng xấu đến chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng chậm kinh.
- Mắc các bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa thường gặp như buồng trứng đa nang, viêm lộ tuyến tử cung, u xơ tử cung, viêm buồng trứng, suy buồng trứng… là nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ chậm kinh. Khi có những biểu hiện bất thường như máu kinh có màu sắc lạ, có mùi khó chịu, bị vón cục, dịch âm dạo có màu sắc bất thường, đau bụng dưới âm ỉ, vùng kín có mùi hôi,…thì cần đến bác sĩ phụ khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
3. 5 lưu ý các bạn gái trễ kinh cần nhớ
3.1. Nên ăn gì?
Nên uống nhiều nước, tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin, chất sắt và khoáng chất có trong các loại củ, rau xanh, trái cây tươi, thịt bò, các loại cá béo… Ngoài ra bạn nên tăng cường ăn những loại thực phẩm tốt cho quá trình điều kinh như rau diếp cá, ngải cứu, gừng, nha đam, đinh lăng, vừng, mè…
3.2. Không nên ăn gì?
Không nên ăn các loại đồ ăn quá cay nóng, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá và dùng các chất kích thích khác.
3.3. Chế độ ngủ nghỉ hợp lý
Việc thức quá khuya, ngủ không đủ giấc, giấc ngủ không chất lượng không chỉ có hại cho sức khỏe, tinh thần mà còn có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, cần nghiêm khắc với bản thân, xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học phù hợp: đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, thay vì ôm đồm quá nhiều công việc làm về khuya thì nên tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm để tốt cho sức khỏe
3.4. Giữ cân nặng ổn định
Nếu chị em có ý định tăng cân hay giảm cân thì nên đi theo một chế độ ăn uống, tập luyện khoa học. Thay đổi cân nặng từ từ, từng bước vừa tốt cho sức khỏe, vừa mang lại kết quả lâu dài.
3.5. Một số lưu ý khác
Với những bạn gái thường gặp các vấn đề trễ kinh, rối loạn kinh nguyệt thì việc chăm lo cho sức khỏe của bản thân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh những lưu ý trên, chị em cũng cần quan tâm đến những vấn đề sau:
- Luyện tập thể dục: Công việc có thể bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, tập yoga thư giãn nhẹ nhàng không chỉ tốt cho sức khỏe, thư thái đầu óc mà còn có tác dụng hỗ trợ quá trình điều hòa kinh nguyệt.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết, giúp phát hiện những biểu hiện liên quan đến tình trạng rối loạn kinh huyệt, viêm nhiễm bộ phận sinh dục và nhiều bệnh phụ khoa khác. Từ đó áp dụng các biện pháp chữa bệnh kịp thời, phòng ngừa phát sinh những rủi ro không mong muốn.
- Giữ tâm trạng thoải mái: Stress, căng thẳng cực độ cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng trễ kinh. Vì thế, luôn cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, dành thời gian cho bản thân, kiểm soát căng thẳng bằng cách nghe nhạc, vui chơi với gia đình, bạn bè, ngồi thuyền, suy nghĩ tích cực,…
4. Cách điều trị, phòng ngừa trễ kinh
Trễ kinh vì là hiện tượng phổ biến nên các chị em thường xem nhẹ và chủ quan. Tuy nhiên tình trạng này kéo dài sẽ gây mất kiểm soát, phát sinh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chị em phụ nữ.
Vì vậy, chị em cần chú ý theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Nếu phát hiện có dấu hiệu trễ kinh ( trên 7 ngày) hoặc trễ kinh ở mỗi chu kỳ ( trên 3 kỳ) thì cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế phụ khoa để được kiểm tra và theo dõi.
Có nhiều phương pháp điều trị tình trạng chậm kinh: Thuốc, Phẫu thuật ngoại khoa và Đông y.
- Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp bệnh nhẹ, đặc biệt là những trường hợp chậm kinh do rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên. Thuốc thường được sử dụng trong thiết lập lại chu kỳ kinh nguyệt có thể là thuốc tránh thai hay các loại thuốc liệu pháp hormone.
- Phẫu thuật ngoại khoa: Với những bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh sản, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật hoặc dùng các biện pháp điều trị ngoại khoa. Đặc biệt, chậm kinh do các khối u, ung thư hay nhiễm khuẩn nặng bộ phận sinh dục cần loại bỏ nhanh chóng bằng phương pháp này. Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện mổ nội soi, cắt, đốt điện, nhiệt, áp lạnh hay laser, oxygen,…tùy theo tình trạng và sức khỏe của bạn.
- Đông y: Trường hợp người bệnh lo ngại về tác dụng phụ hay những biến chứng sau phẫu thuật, có thể điều trị bằng Đông y, thảo dược thiên nhiên, vừa an toàn cho sức khỏe, vừa đảm bảo hiệu quả lâu dài. Từ các vị thuốc bổ khí huyết, thầy thuốc, bác sĩ Đông y sẽ tiến hành gia giảm, kết hợp khéo léo với liều lượng vừa đủ giúp bổ máu, lưu thông khí huyết, ăn ngủ tốt, từ đó cải thiện chức năng thận, thanh lọc cơ thể và loại bỏ tình trạng chậm kinh.
Tóm lại, để phòng tránh nguy cơ trễ kinh, bạn có thể áp dụng những giải pháp sau:
- Xây dựng thói quen ăn uống khoa học, hợp lý, sinh hoạt điều độ.
- Rèn luyện thân thể, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và đề kháng, cân bằng các hoạt động sinh lý bên trong.
- Tránh sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, trà, cafe,…
- Nên tạo nhiều niềm vui trong cuộc sống, dành thời gian thư giãn để tinh thần luôn được thoải mái.
- Xây dựng thói quen khám Phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để đảm bảo nắm rõ những thay đổi bên trong cơ thể và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Trễ kinh tuy là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe. Hiểu rõ về hiện tượng này, nguyên nhân gây ra cũng như biện pháp điều trị sẽ giúp chị em kiểm soát sức khỏe của mình một cách tốt nhất. Tấm chúc chị em luôn khỏe mạnh!
Xem thêm :
- Rối loạn kinh nguyệt là gì? Có nguy hiểm không? 5 điều phải biết về rối loạn kinh nguyệt
- Thời gian chậm kinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bạn gái như thế nào. Tìm hiểu ngay