Phì đại cuốn mũi là một trong các bệnh lý gây cản trở quá trình hô hấp của người bệnh, từ đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Dành ra 5 phút để đọc bài viết dưới đây để nắm rõ về bệnh phì đại cuốn mũi là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục bệnh.
1. Phì đại cuốn mũi là bệnh như thế nào
Để hiểu rõ về bệnh phì đại cuốn mũi là bệnh như thế nào. Trước tiên, cùng tìm hiểu tổng quan về bộ phận cuốn mũi. Cuốn mũi là một cấu trúc giải phẫu nằm ở mặt bên của mũi, được cấu tạo bởi xương xoăn mũi và có niêm mạc bao phủ phía trên. Cuốn mũi có chức năng làm ấm và ẩm không khí hít vào nhờ hệ thống mạch máu dày đặc. Đồng thời cuốn mũi có công dụng cản bụi đi vào đường hô hấp, giúp việc trao đổi khí ở phổi diễn ra thuận lợi hơn. Mỗi lỗ mũi có 3 cuốn mũi: cuốn mũi trên, cuốn mũi giữa và cuốn mũi dưới. Cuốn mũi là cửa ngõ đầu tiên của đường hô hấp trên, thường xuyên tiếp xúc với những dị nguyên hô hấp, do đó rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài đi vào mũi.
Vậy phì đại cuốn mũi là bệnh gì? Đây là tình trạng cuốn mũi to lên bất thường, gây cản trở hoạt động hô hấp. Phì đại cuốn mũi có thể hình thành do các bệnh lý như dị ứng mũi hoặc bất thường cấu trúc xương xoăn mũi gây sưng, viêm cuốn mũi trong một thời gian dài.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh phì đại cuốn mũi
Một số nguyên nhân tiêu biểu gây ra phì đại cánh mũi là:
- Dị ứng: đây là nguyên nhân chính gây ra phì đại cuốn mũi. Khi bạn bị dị ứng ảnh hưởng đến đường hô hấp, cơ thể sẽ phản ứng lại thông qua hệ miễn dịch, khiến cuốn mũi sưng lên.
- Các chất kích thích: Khói thuốc lá là một trong những chất có thể gây kích ứng mũi dẫn đến tình trạng viêm và phì đại cuốn mũi.
- Lệch vách mũi: Tình trạng này khiến cho cuốn mũi phì đại bù trừ (chỉ một bên mũi bị sưng lên).
3. Những ai dễ bị phù đại cuốn mũi
Hiện nay thì các bác sĩ chưa thể kết luận chính xác yếu tố cụ thể nào được xem là nguy cơ của bệnh phì đại cuốn mũi. Tuy nhiên, dựa vào các nguyên nhận gây ra phì đại cánh mũi, ta có thể thấy những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất hàng ngày làm niêm mạc mũi bị kích ứng, gây ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài hoặc nhóm người có tiền sử mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi cấp, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA, gai vách ngăn,… không thực hiện điều trị sớm hoặc điều trị không triệt để sẽ làm cuốn mũi bị tổn thương, dễ dàng phình to và viêm nhiễm sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh phì đại cánh mũi cao hơn.
4. Các triệu chứng thường gặp của bệnh phì đại cuốn mũi
Những triệu chứng thường gặp của bệnh phì đại cuốn mũi mà bạn nên lưu ý là:
- Nghẹt mũi triền miên: Nghẹt mũi là tình trạng thông thường nhưng nếu bạn bị nghẹt mũi triền miên, trong một khoảng thời gian dài mà không khỏi thì rất có thể bạn đã bị phì đại cuốn mũi. Cuốn mũi bị sưng to bất thường sẽ làm cản trở quá trình hít thở không khí, gây nên tắc mũi. Lúc này, bệnh nhân sẽ thấy nghẹt mũi và hít thở khó khăn, tuy nhiên ít dịch nhầy hơn so với khi bị sổ mũi.
- Khó thở, thở khò khè: Triệu chứng này khá giống với bệnh cảm cúm, viêm mũi thông thường. Tuy nhiên, nếu bị phì đại cánh mũi thì bệnh nhân sẽ cảm giác khó thở xuất hiện nhiều nhất khi ngồi thấp, cúi, nằm,… Máu sẽ dồn về mũi ở những tư thế này, từ đó gây nghẹt thở và không thể cải thiện tình trạng này với các cách thở thông thường. Vào buổi tối hoặc thời tiết chuyển lạnh tình trạng này càng trầm trọng hơn.
- Gặp các vấn đề viêm xoang: Nếu bạn có những hiện tượng sổ mũi, đau đầu, nghẹt mũi,… liên tục tái diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần thì rất có thể bạn đã bị phì đại cuốn mũi. Các dấu hiệu này hay bị nhầm lẫn với bệnh lý viêm xoang.
- Chảy máu mũi: đây là dấu hiệu ít thấy tuy nhiên những người mắc phì đại cuốn mũi có thể bị chảy máu mũi do niêm mạc bị tổn thương.
5. Cách khắc phục bệnh phì đại cuốn mũi hiệu quả
Theo các bác sĩ chuyên khoa thì hiện nay, chỉ cần người bệnh thực hiện chữa trị sớm và đúng cách thì việc điều trị bệnh phì đại cuốn mũi là không quá khó khăn.
Có hai phương pháp điều trị bệnh phì đại cuốn mũi hiệu quả là:
5.1. Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp điều trị bệnh phì đại cuốn mũi đơn giản và dễ thực hiện nhất, thường được áp dụng cho những bệnh nhân mắc phì đại do dị ứng. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng sưng, viêm ở cuốn mũi. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp sử dụng với các loại thuốc xịt để quá trình điều trị đạt kết quả nhanh hơn. Một điều bạn cần lưu ý là tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc giảm liều, ngưng uống thuốc khi thấy bệnh tình thuyên giảm.
5.2. Điều trị ngoại khoa
phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân bị phì đại nặng, diễn ra trong thời gian dài và phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả. Bác sĩ sẽ lựa chọn các kỹ thuật ngoại khoa phù hợp với tình trạng bệnh nhân như loại bỏ một phần trong cấu trúc xương mũi, kỹ thuật co nhỏ mô cuốn mũi, phẫu thuật phì đại cuốn mũi,…
6. Lưu ý về bệnh phì đại cuốn mũi
Hãy theo dõi cẩn thận tình trạng mũi khi bạn nhận thấy có các dầu hiệu của bệnh phì đại cuốn mũi và đến khám tại các bệnh viện công, các phòng khám uy tín sớm nhất để thực hiện điều trị bệnh ngay khi tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, bạn cần có một chế độ chăm sóc hậu phẫu đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi được điều trị phì đại cuốn mũi để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi và giảm khả năng bệnh tái phát.
Xem thêm :
- Cách vệ sinh mũi sau khi nâng giúp mũi mau lành, tránh nhiễm trùng
- Dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nâng mũi phát hiện sớm