3 cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác nhất bạn gái phải biết

Kinh nguyệt dường như là một “thủ tục” không thể thiếu và ghé thăm phái nữ đều đặn mỗi tháng. Mặc dù, thứ “thủ tục” này rất rườm rà, gây biết bao bất tiện nhưng không ai có thể phủ nhận độ quan trọng của nó đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Việc xác định chu kỳ kinh nguyệt là một bước quan trọng giúp bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe sinh sản của mình. Bạn đã biết cách tính chưa? Nếu chưa, hãy cùng Tấm tìm hiểu về 3 cách tính chu kỳ kinh nguyệt trong bài viết dưới đây nhé!

1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một hiện tượng sinh lý tính từ thời điểm dậy thì cho đến khi mãn kinh. Đó là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản. Hormone sinh dục nữ bao gồm estrogen hoặc progesterone, khi bị tụt giảm đột ngột khiến cho tử cung của người phụ nữ có tình trạng chảy máu..

Chu kỳ kinh nguyệt của con gái diễn ra đều đặn mỗi tháng là nhờ sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, trật tự của hệ thống nội tiết sinh sản bên trong cơ thể người phụ nữ bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng.

2. 3 cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác nhất

Việc xác định chính xác chu kỳ kinh nguyệt giúp chị em chủ động lên kế hoạch chăm sóc bản thân cũng như lường trước được các vấn đề có thể xảy ra trong ngày đèn đỏ. Dưới đây là gợi ý 3 cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác nhất.

2.1 Tính chu kỳ kinh nguyệt bằng việc đánh dấu ngày

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt bằng việc theo dõi và đánh dấu ngày xuất hiện kinh hay còn được gọi là biện pháp đếm lịch. Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Đánh dấu ngày đầu tiên xuất hiện kinh của tháng này

Ví dụ: Bạn có kinh vào ngày 7/7. Đánh dấu vào lịch

  • Bước 2: Đánh dấu ngày bắt đầu có kinh của kỳ kinh tiếp theo

Ví dụ: Thời điểm bắt đầu kinh nguyệt tháng này là 4/8. Đánh dấu vào lịch

  • Bước 3: Đếm tổng số ngày giữa 2 kỳ kinh liên tiếp. Số ngày tính ra là chu kỳ kinh nguyệt của bạn

Ví dụ: Từ 7/7 đến 4/8 có tất cả 28 ngày. Vậy chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 28 ngày.

  • Bước 4: Tiếp tục theo dõi trong những tháng tiếp theo

Duy trì từ 6 tháng đến 1 năm để có kết quả chính xác nhất. Nếu chu kỳ kinh của bạn đều đặn (28 cộng hoặc trừ 8 ngày) chứng tỏ kinh nguyệt của bạn đều. Nếu chu kỳ kinh nguyệt lúc dài, lúc ngắn, chênh lệch quá nhiều thì bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt rồi đấy.

Phương pháp này có một ưu điểm nổi bật là rất đơn giản, dễ thực hiện và chính xác. Tuy nhiên, điểm điểm hạn chế mà biện pháp này mang lại là kết quả chỉ mang tính chất tương đối bởi chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ rất dễ bị thay đổi khi có những yếu tố khách quan hay chủ quan tác động, môi trường sinh hoạt thay đổi, chế độ ăn uống, làm việc thay đổi cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của các chị em bị xê dịch đôi ba ngày, thậm chí nhiều hơn là 1 tuần hay vài tuần.

Để có kết quả chính xác nhất đòi hỏi chị em phải cẩn thận, ghi chép chính xác tỉ mỉ từng kỳ. Bên cạnh đó, cần xây chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý để không xuất hiện những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.

2.2 Tính chu kỳ kinh nguyệt thông qua chu kỳ rụng trứng

Một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường chia ra làm 3 giai đoạn cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 1 : Xuất hiện kinh nguyệt, nội mạc tử cung sẽ dày lên và nang trứng sẽ phát triển mạnh mẽ.
  • Giai đoạn 2 : Trứng chín và rụng. Đây là thời điểm thụ thai có hiệu quả nhất.
  • Giai đoạn 3 : Trứng đã rụng, nếu không có sự thụ thai thì nội mạc tử cung bị ngừng tưới máu và trở nên thoái hóa.

Dựa theo chu kỳ kinh nguyệt, ta có thể tính chu kỳ rụng trứng như sau :

  • Với chu kỳ ngắn nhất : Lấy tổng số chu kỳ kinh trừ đi 18 ngày, kết quả tìm ra chính là ngày đầu tiên của khoảng thời gian bạn có khả năng thụ thai cao nhất.
  • Với chu kỳ dài nhất : Lấy tổng số chu kỳ kinh trừ 11 ngày, kết quả tìm ra là ngày cuối cùng trong khoảng thời gian thích hợp mà bạn có khả năng thụ thai cao.

2.3 Tính chu kỳ kinh nguyệt bằng app theo dõi

Bên cạnh việc tính chu kỳ kinh nguyệt bằng phương pháp chép tay truyền thống, thì hiện nay với công nghệ phát triển, ai cũng có cho mình những chiếc smartphone đầy đủ mọi chức năng. Việc ghi chép trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Ngày nay, có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ tính chu kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên Tấm sẽ giới thiệu cho các bạn 2 app được sử dụng phổ biến hiện nay.

  • Flo: Đây là ứng dụng khá phổ biến được rất nhiều chị em phụ nữ lựa chọn. Với giao diện đơn giản và dễ sử dụng cho mọi người dùng, chỉ cần các thao tác đơn giản như nhập ngày đầu tiên có “dâu”, ứng dụng sẽ tự theo dõi, tính toán kỳ kinh nguyệt, ngày an
    toàn, ngày rụng trứng cho những tháng tiếp theo và gửi thông báo nhắc nhở bạn khi sắp tới ngày.
  • Period Tracker – Period Calendar: Ứng dụng này giúp bạn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, ngày rụng trứng, thời điểm thụ thai lý tưởng. Với sự chuyên nghiệp, chính xác giúp bạn biết rõ ngày nào có khả năng thụ thai cao, hoặc ngày an toàn, ứng dụng như một nhật kí bí mật của riêng bạn.

Các ứng dụng trên đều có những ưu điểm chung như:

  • Giúp theo dõi kinh nguyệt dễ dàng.
  • Có khả năng dự đoán kỳ rụng trứng
  • Tính toán thời gian mang thai
  • Có thể ghi chú, theo dõi sức khoẻ mỗi ngày
  • Phân tích chu kỳ bằng biểu đồ
  • Nhiều bài viết, thông tin bổ ích về sức khỏe
  • Bảo mật ứng dụng bằng mật khẩu

3. Một số vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

  • Tình trạng rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt xảy ra thất thường cả về số ngày lẫn lượng máu kinh chảy ra trong chu kỳ. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt ổn định của một người phụ nữ là 28 – 35 ngày, mỗi kỳ kinh nguyệt sẽ diễn ra trong khoảng 3 – 7 ngày với lượng máu bình thường. Tất cả các trường hợp khác như chậm kinh, vô kinh, máu ra nhiều hơn bình thường,… đều được xem là rối loạn kinh nguyệt. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này sẽ có sự thay đổi khác nhau

  • Các bệnh lý phụ khoa

Một chu kỳ kinh nguyệt bất thường nó là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý phụ khoa sớm. Một số bệnh lý liên quan chính thường gặp ở phụ nữ như:

Với trường hợp rong kinh: Thường liên quan tới các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, ung thư đường sinh dục, u nang buồng trứng, viêm nhiễm phụ khoa, polyp tử cung…

Với trường hợp chậm kinh: Thường gặp phải ở các chị em bị buồng trứng đa nang, suy giảm chức năng buồng trứng, bị dính buồng tử cung một phần.

Với trường hợp tắc kinh hay vô kinh: Thường gặp phải ở các chị em có màng trinh không thủng, bị dính buồng tử cung toàn phần, bị sẹo hóa tử cung…

  • Các bệnh lý liên quan khác

Bên cạnh đó, vì chu kỳ kinh nguyệt hoạt động dưới sự điều hòa của hormone sinh dục nữ. Chính lượng lượng hormone tiết ra nhiều hay ít đều sẽ có sự ảnh hưởng đến cách tính dài hay ngắn của chu kỳ. Vì vậy sự bất ổn của chu kỳ kinh nguyệt cũng gây ra phản ánh những vấn đề liên quan đến quá trình tiết ra hormon.

Ngoài ra hoạt động của tuyến giáp cũng sẽ gây tác động đến cân bằng hormon sinh dục nữ. Cụ thể nếu chị em mắc phải một số bệnh sau đây thì chu kỳ cũng bị xáo trộn thường xuyên:

  • Bị cường giáp hay suy giáp.
  • Bị khối u tuyến yên hay tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc Tây y suốt thời gian dài.

Hy vọng bài viết mang lại cho chị em những kiến thức cơ bản và cần thiết về cách tính chu kỳ kinh nguyệt. Luôn yêu thương bản thân, theo dõi tình trạng kinh nguyệt đều đặn và xử lý kịp thời nếu gặp các trường hợp kinh nguyệt bất thường chị em nhé!

Xem thêm :

  • Kinh nguyệt là gì? 8 điều quan trọng cần phải biết về kinh nguyệt
  • Chậm kinh là gì? Có nguy hiểm không? Có cách chữa khỏi không

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *