Cười hở lợi là tình trạng có thể bắt gặp ở rất nhiều người. Tuy không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng nhai của hàm răng, nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý. Vậy cười hở lợi có khắc phục được không, bằng cách nào…sẽ được chia sẻ từ A đến Z trong bài viết sau đây.
1. Cười hở lợi là gì?
Một nụ cười đẹp được định nghĩa là khi miệng nở nụ cười: răng, lợi và môi đều phối hợp hài hoà với nhau. Nhưng nếu bạn nhìn thấy phần lợi lộ ra nhiều hơn, hoặc bằng răng thì đó chính là cười hở lợi. Có trường hợp, bạn có thể nhìn thấy vùng lợi lớn tương đương với chóp của răng cửa.
Cười hở lợi cũng có khá nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ tới nặng, cụ thể như:
Cười hở lợi nhẹ: Là trường hợp khi cười phần nướu sẽ hiện nhiều hơn 3mm, nhưng ít hơn 25% chiều dài của răng.
Cười hở lợi trung bình: Là khi cười phần nướu hiện nhiều hơn 25%, nhưng ít hơn 50% chiều dài của răng.
Cười hở lợi nặng: Nếu khi cười, phần nướu hiện nhiều hơn 50% nhưng ít hơn 100% chiều dài của răng thì đây là tình trạng hở lợi nặng.
Cười hở lợi nghiêm trọng: Biểu hiện ở trường hợp khi cười phần nướu hiện nhiều hơn 100% chiều dài của răng, thậm chí đôi khi bạn không nhìn thấy răng do nướu che lấp gần hết.
2. Nguyên nhân gây ra cười hở lợi
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra cười hở lợi. Một số nguyên nhân chính được đề cập trong bài viết chẳng hạn:
Do xương hàm: Khi xương hàm trên phát triển quá mức đã tác động đến nướu sẽ khiến chúng bị đẩy ra phía trước.
Do răng: Nếu chiều cao của răng quá ngắn sẽ dẫn đến sự chênh lệch giữa răng và lợi, khiến cho dù cười bình thường nhưng lợi vẫn lộ nhiều hơn răng.
Do môi: Nếu cơ môi trên hoạt động mạnh khiến môi bị vén cao hơn bình thường thì sẽ làm lộ lợi dù cho tỷ lệ lợi và răng bằng nhau.
Do nướu: Sự phát triển mạnh mẽ của nướu cũng là nguyên nhân gây ra cười hở lợi mặc dù chiều dài của răng đạt chuẩn.
3. Cười hở lợi có khắc phục được không? Chi phí và phương pháp thực hiện
Mặc dù, cười hở lợi không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhưng nếu xét về tính thẩm mỹ thì nó vẫn là một nỗi lo của nhiều người, nhất là những người thường xuyên giao tiếp trong công việc. Tuy nhiên, còn tùy vào tình trạng răng hàm và mức độ hở lợi của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp chữa trị phù hợp, nhanh chóng đem lại nụ cười duyên cho người bệnh. Một số phương pháp được các chuyên gia gợi ý như:
3.1 Phẫu thuật xương hàm
Cắt xương hàm, chỉnh khớp cắn là chỉ định được sử dụng nhiều hơn, mang lại hiệu quả rất cao trong việc điều trị cười hở lợi cũng như giữ được kết quả lâu dài, ổn định, ít tái phát hơn.
Quy trình sẽ bao gồm việc khám xét lâm sàng, kiểm tra tình trạng khớp cắn trên thực tế và X-quang sẽ giúp cho chỉ định cắt xương chỉnh khớp cắn chính xác hơn. Có thể cắt 1 hàm, 2 hàm, cắt block hoặc toàn bộ tùy theo mức độ dị tật. Trước mổ bệnh nhân sẽ được lấy mẫu hàm, cắt thử trên mẫu và làm máng hướng dẫn phẫu thuật.
Bệnh nhân được mổ gây mê nội khí quản, đường mổ theo viền lợi hoặc ngách tiền đình. Xương hàm cắt theo dự kiến, có thể sẽ phải nhổ bớt răng số 4 hoặc răng 5. Sau cắt xương sẽ lắp máng hướng dẫn và mài chỉnh các phần xương còn lại để đạt được khớp cắn đúng. Các phần xương cắt được kết vững chắc bằng các nẹp titanium (miniplate). Những nẹp titan này có thể tháo bỏ sau 6 tháng-1 năm nếu bệnh nhân có nhu cầu (tiểu phẫu) hoặc để vĩnh viễn không tháo đều được.
Sưng nề sau mổ trong khoảng 5-7 ngày, ổn định sau 3 tháng.
3.2 Tiêm chất giãn cơ
Chất giãn cơ thường được sử dụng để khắc phục một số nhược điểm trên khuôn mặt như những nếp nhăn, vết chân chim, làm cao sống mũi, tạo môi hình trái tim… đã và đang là xu hướng thẩm mỹ của phái đẹp hiện nay. Không chỉ thế tiêm chất giãn cơ còn được sử dụng để điều trị tình trạng cười hở lợi. Chất giãn cơ có chứa một hàm lượng lớn protein giúp làm giảm hoạt động của môi trên và làm mờ các nếp nhăn ở xung quanh mắt và miệng.
Trước khi tiêm chất giãn cơ cho người bệnh thì các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khả năng di chuyển cơ bắp để xác định được vị trí và liều lượng chất giãn cơ cần sử dụng cho bệnh nhân. Một vài mũi tiêm nhỏ sẽ được tiêm trực tiếp vào phần cơ môi và một lượng nhỏ sẽ được tiêm vào hai bên mũi để giúp thư giãn các cơ bắp.
Sau 3 – 4 ngày điều trị, độ cao của môi sẽ được hạ xuống, từ đó giúp che bớt phần nướu bị lộ, đem đến cho người bệnh sự tự tin để mỉm cười thật rạng rỡ.
3.3 Niềng răng kết hợp đánh lún răng
Đánh lún răng hoàn toàn có thể điều trị tình trạng cười hở lợi, bạn không cần phải thực hiện cắt gọt xương hàm hay rút tủy để làm răng giả. Đánh lún răng là phương pháp làm cho phần xương ở phía trên răng tiêu đi, nướu sẽ bớt hở nhưng phần răng không bị ngắn đi. Phương pháp này khá hiệu quả trong việc điều trị cười hở lợi, khớp cắn sâu, cắn hở.
Thực hiện đánh lún răng là tình trạng cười hở lợi hoàn toàn có thể khắc phục được, đa phần khi niềng răng bác sĩ sẽ thực hiện đánh lún răng cửa bằng dây cung và đánh lún răng cối dưới để khắc phục.
Tùy vào tình trạng sai lệch khớp cắn ít hay nhiều của mỗi người mà thời gian đánh lún sẽ có sự khác nhau. Mức thời gian trung bình thường là từ 3 – 6 tháng, sau giai đoạn này, khi răng đã dịch chuyển đúng theo kế hoạch thì bác sĩ sẽ tháo minivis và thực hiện các công việc tiếp theo của niềng răng
3.4 Phẫu thuật cắt nướu
Cắt nướu thẩm mỹ là phương pháp làm lộ thân răng, giúp răng nhìn dài hơn, khắc phục nhược điểm hở lợi khi cười. Bác sĩ nha khoa sẽ thực hiện bóc tách, phẫu thuật để điều chỉnh sao cho thân răng bộc lộ ra ngoài nhiều hơn.
Đây là thủ thuật đơn giản, ít gây xâm lấn vào cấu trúc cơ thể. Vì vậy phương pháp an toàn với bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, khách hàng được gây tê nên gần như không đau. Sau phẫu thuật, khi thuốc tê hết tác dụng, các liều thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn dễ chịu hơn. Bạn có thể ăn uống bình thường sau một tuần.
Trong trường hợp nếu do lợi quá phát triển, đồng thời thân răng ngắn thì bác sĩ có thể chỉ định cắt viền nướu kết hợp làm dài thân răng. Như vậy, răng vừa được cải thiện đẹp hơn về kích cỡ mà lại chữa cười hở lợi hiệu quả. Phương pháp này chỉ được coi là một cuộc tiểu phẫu, diễn ra rất nhẹ nhàng và nhanh chóng. Thời gian phục hồi cũng chỉ mất khoảng 2, 3 ngày là trở lại bình thường. Về mặt thẩm mỹ, quy trình cắt lợi thực hiện trong khoang miệng, đường viền lợi được khâu bằng chỉ thẩm mỹ nên hoàn toàn không để lại sẹo hay dấu vết nào.
Như đã chia sẻ ở trên, chúng ta có những cách điều trị cười hở lợi khác nhau. Do đó, chữa cười hở lợi bao nhiêu tiền? sẽ phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn phương pháp chữa trị nào. Bên cạnh đó, mức độ hở lợi nặng – nhẹ cũng là yếu tố quyết định đến chi phí của ca bệnh này. Vì vậy, các bạn nên trực tiếp đến gặp Bác sĩ chuyên khoa thăm khám cụ thể để biết được câu trả lời chính xác nhất.
Sau khi xác định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ thông báo chi phí chữa cười hở lợi cụ thể để chúng ta chuẩn bị trước khi bước vào quá trình phẫu thuật. Bạn có thể tham khảo bảng giá của một vài Nha khoa để so sánh và đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho trường hợp của mình. Chúc các bạn luôn xinh đẹp và tự tin!